56 dự án giao thông đang và sắp được rót vốn ở Thừa Thiên Huế, có đường ven biển 4.500 tỷ
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Thừa Thiên Huế dự kiến khởi công và đưa vào khai thác 56 dự án giao thông với tổng vốn đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án đáng chú ý như: tuyến đường bộ ven biển 4.500 tỷ đồng; đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương 2.000 tỷ đồng; đường vành đai 3 là 1.500 tỷ đồng hay đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài hơn 750 tỷ đồng.
Tại kỳ họp chuyên đề thứ 11 khóa VII, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết nghị thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2021 tại địa phương. Theo đó, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2021 của tỉnh là 7.834 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 2.821 tỷ đồng.
Vốn nước ngoài là 721 tỷ đồng (trong đó, vốn ODA là 622 tỷ đồng, vốn nước ngoài giải ngân theo cơ chế trong nước là 99 tỷ đồng). Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là 3.090 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực giao thông, theo Nghị quyết trên có 56 dự án dự kiến khởi công và hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025, bao gồm các dự án giao thông chuyển tiếp hoàn thành năm 2021, chính khởi công mới năm 2021 và chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 – 2025 với tổng vốn đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng.
Một số dự án điển hình có vốn đầu tư cao dự kiến khởi công trong năm 2021 có thể kể đến như tuyến đường bộ ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc với tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thừa Thiên Huế, tuyến đường này có tổng chiều dài 127 km, trong đó có một số đoạn trùng với tuyến quốc lộ 49B nên tổng chiều dài toàn tuyến hiện còn 85 km. Riêng cầu mới xây dựng vượt cửa biển Thuận An (nối xã Hải Dương với thị trấn Thuận An) có chiều dài 1,5 km với kinh phí dự kiến 1.200 tỷ đồng.
Đến nay, tuyến đường ven biển qua Thừa Thiên Huế đi trùng với quốc lộ 49B đã cơ bản được Bộ GTVT đầu tư phù hợp theo quy hoạch.
Đối với các tuyến đường ven biển đi trùng với tỉnh lộ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang phối hợp các bộ, ngành để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn để làm cơ sở triển khai.
Một dự án khác cũng có số vốn đầu tư lớn như dự án đầu tư xây dựng đường Tố Hữu nối dài 10,26 km đi sân bay Phú Bài với điểm đầu tuyến tại nút Tố Hữu – Võ Văn Kiệt (Thủy Dương – Thuận An), điểm cuối tuyến tại nút giao đường Thuận Hóa với quốc lộ 1A, bám theo các trục đường quy hoạch và giao với đường tỉnh 3.
Sau đó, tuyến chạy song song với quốc lộ 1A ở phía đông và vuốt nối vào đường Quang Trung (quy mô mặt cắt 27 m), đồng thời mở rộng mặt cắt đường thành 36 m. Đoạn còn lại tuyến bám theo đường Thuận Hóa và đấu nối vào quốc lộ 1A.
Bên cạnh đó, cầu Nguyễn Hoàng qua sông Hương với vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng và đường vành đai 3 là 1.500 tỷ đồng là hai dự án trọng điểm nối liền đôi bờ sông Hương, kết nối sự lưu thông của cư dân bờ tây bắc thành phố Huế là phường Kim Long, Hương Long, Hương Hồ… với bờ tây nam sông Hương.
Cây cầu sau khi hoàn thành sẽ giúp khai thông điểm nghẽn ở trục xoay cầu Dã Viên tại đường Lê Duẩn và đường Kim Long vào giờ cao điểm, đồng thời rút ngắn được khoảng cách, thời gian, đường đi giữa các điểm di tích tại địa phương.
Song song đó, một số ban ngành đơn vị trong tỉnh kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục đầu tư các tuyến đường vành đai, các tuyến giao thông chủ đạo kết nối giữa Khu đô thị mới An Vân Dương với TP Huế, với thị trấn Thuận An và kết nối với sân bay Phú Bài làm động lực phát triển kinh tế – xã hội tỉnh.
Về cao tốc Cam Lộ – La Sơn, tính đến ngày 15/2, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã giải phóng mặt bằng và bàn giao cho đơn vị thi công 65,9 km/66,4 km, đạt 99,25% kế hoạch.
Đây là dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 qua địa phận tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế có chiều dài xây dựng 98,35 km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài 37,3 km, đoạn qua tỉnh Thừa Thiên – Huế dài 61 km; gồm 11 gói thầu xây lắp.
Ảnh: Thi công cao tốc Cam Lộ – La Sơn.
Theo điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh dành 17.834 ha để phát triển các dự án giao thông vận tải đến hết năm 2020; định hướng đến năm 2030, con số này là 22.025 ha.
Tổng vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông của Thừa Thiên Huế từ năm 2015 đến 2030 khoảng 83.013 tỷ đồng (bao gồm cả trung ương và địa phương), trong đó, giai đoạn 2021 – 2030 là 46.996 tỷ đồng. Riêng vốn đầu tư cho các công trình của địa phương khoảng 40.445 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 27.245 tỷ đồng.
Sau đây là danh sách các dự án giao thông sử dụng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương năm 2020 và dự kiến năm 2021, vốn đầu tư theo tiêu chí năm 2021 và vốn từ nguồn thu bán đất, cho thuê đất của tỉnh Thừa Thiên Huế (đvt: triệu đồng).
Xem chi tiết: Danh sách các dự án giao thông sử dụng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương năm 2020 và dự kiến năm 2021